Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng. Thế nhưng, với âm mưu và thủ đoạn xấu xa, các lực lượng thù địch, chống phá đã và đang cố tình suy diễn phủ nhận kết quả đó, nhất là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với  công tác này.


       RFA đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế”. Bài viết lật lọng, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, cho rằng: Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không? Trên cơ sở đó bài viết bày tỏ sự tâm huyết, chủ ý hiến kế: Ở Việt Nam muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi hoàn toàn cái cơ chế này. Phải có sự cạnh tranh giữa các đảng phái để họ nhìn vào cái đảng đang điều hành đất nước.


        Một số bài viết khác lại phủ nhận kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta khi cho rằng, Đảng, Nhà nước đã phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều thất bại, không thành công, tệ nạn ngày càng gia tăng. Họ vu cáo rằng, đó là bản chất, là “căn bệnh nan y, kinh niên” của chế độ một đảng cầm quyền. Bên cạnh việc ra rả luận điệu cũ, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng của Đảng là thanh trừng trong đảng ở Việt Nam, là thanh trừng lẫn nhau. Các đối tượng này, thông qua mạng internet, mạng xã hội để tung ra những chiêu trò mới, thường đăng tải các bài viết với dòng tít gây sốc, khiến người đọc tò mò, như: “Có ai còn tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm?”, “Chống tham nhũng ở Việt Nam là tự sát?”... Cuối cùng chúng kết luận cuộc chiến chống tham nhũng là thất bại, vì càng chống thì tham nhũng lại càng nhiều.

        Thực tiễn cho thấy, những ngụy biện, suy diễn trên là hoàn toàn thiếu cơ sở; hòng gây nhiễu loạn thông tin dư luận, gây bất lợi cho công cuộc xây dựng,chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở Việt Nam. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, là “căn bệnh” của nhà nước, có nhà nước là có tham nhũng, có chăng chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng. Lịch sử nhân loại minh chứng, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ. Không ít các quốc gia theo chế độ đa đảng, tình trạng tham nhũng diễn ra trong hệ thống công quyền đã trở thành mối nguy hại lớn, các nguyên thủ quốc gia tham nhũng như Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan, Brazil, Colombia, Malaysia….  Để phòng, chống tham nhũng, các quốc gia đều xây dựng nên các chiến lược quốc gia với thái độ và phương thức tiến hành rất quyết liệt, mạnh mẽ. Ví như, Trung Quốc ban hành các văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong cán bộ Đảng và Nhà nước. Luật Chống tham nhũng (1989) của Singgapo cho phép tòa án tịch thu tài sản của công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc tài sản đó. Thái Lan yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên.

        Do đó, việc các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là “căn bệnh nan y”, chỉ xảy ra ở các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo hay ở quốc gia do một đảng lãnh đạo, cầm quyền là hoàn toàn không đúng với thực tế, là sự quy chụp, suy diễn. Âm mưu của chúng là nhằm tạo nên sự nghi ngờ, hoang mang, dao động, gây lầm tưởng tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, thông qua đó, các đối tượng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, Nhà nước; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin.

        Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta chứng minh, cùng với quyết tâm xây dựng bộ máy nhà nước dựa trên pháp trị, các triều đại phong kiến Việt Nam rất quan tâm đến việc phòng, chống tham nhũng. Hơn một ngàn năm trước, Triều Lý (1009 - 1225) đã đề ra những quy định khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại. Đến Triều Lê Sơ, Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng. Các quy định chặt chẽ được ban hành (như trong Luật Hồi tỵ) để ngăn ngừa, loại bỏ các mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, bè cánh, tránh tình trạng bao che, thường được tổ chức dịp đầu năm - Lễ hội “Thề không tham nhũng”. Điều đó nói lên quyết tâm của cha ông ta trong việc phòng, chống tham nhũng, với những tấm gương được lịch sử vinh danh như: người thầy mẫu mực “vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292 - 1370) thời Trần dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém đầu 7 tên gian thần; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) thời Mạc, đã dâng sớ xin Vua chém đầu 18 tên gian thần, lộng thần...

        Tham nhũng là mối nguy hại từ bên trong đe dọa đến sự tồn vong của chế độ phải kiên quyết được ngăn chặn, đẩy lùi như cảnh báo của V.I.Lênin: “Kết án bọn ăn hối lộ nhẹ đến mức lố bịch như thế, mà lẽ ra phải xử bắn chúng,... Phải đưa các đồng chí đó ra truy tố trước tòa án dư luận và khai trừ họ ra khỏi đảng,...”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tham nhũng, tham ô là một loại giặc nội xâm đặc biệt nguy hại. Người đã chỉ ra 6 “lầm lỗi rất nặng nề” của cán bộ cần phải ra sức sửa chữa đó là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, kiêu ngạo. Trong đó, Người đặc biệt cảnh báo và lên án hành vi “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức…”[2].Cách đây hơn 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội biển thủ của công, ăn cắp của công biến thành của tư và giữ nguyên quyết định xử tử hình. Quyết định đó thể hiện đầy đủ về tính nghiêm minh của pháp luật và minh chứng cho quyết tâm rất cao của Đảng,Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham nhũng.

        Quán triệt tinh thần đó, Đảng, Nhà nước ta luôn coi tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đời sống xã hội. Đảng ta khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[3]. Đặc biệt, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất được Đảng, Nhà nước ta tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Tính trong 10 năm qua (2012 - 2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang[4]. Riêng tổng kết công tác Kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023 hơn 600 tổ chức Đảng và hơn 24.400 đảng viên bị xữ lý kỷ luật[5]Theo thống kê của ngành Nội vụ cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2024 có 1.338 cán bộ công chức viên chức bị kỷ luật, trong đó cán bộ 139 người, công chức 432 người, viên chức 767 người (từ nguồn Báo Đại đoàn kết của MTTQ Việt Nam).


        Đây là minh chứng sinh động nhất cho việc Đảng cộng sản Việt Nam không khoan nhượng với “giặc nội xâm” và trong chế độ một đảng lãnh đạo, tham nhũng luôn bị đấu tranh loại bỏ đến cùng.

        Để thực hiện điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần“tự phê bình” và “phê bình”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, xem đó là “thang thuốc hay nhất”, “thang thuốc thánh” để phòng, chống tham nhũng như Bác Hồ đã căn dặn. Thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực nhà nước gắn với xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên sai phạm theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, phải tích cực, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá cuôc chiến chống tham nhũng của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, củng cố niềm tin trong nhân dân. Có như vậy thì Đảng mới vững mạnh, trưởng thành, được nhân dân tin yêu, hoàn thành sứ mệnh cao cả mà lịch sử dân tộc giao phó./.

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 346.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 65.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.193.

[4] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 26.

[5] Số liệu từ Hội nghị trực tuyến sáng 27/12/2023, của Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Bài viết: PV_CCB

.

Số lượt truy cập:

Trực tuyến: