Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là một vấn đề đang hiện hữu của Đảng ta. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều có những đánh giá về nguy cơ này. Để khắc phục tình trạng trên cần hệ thống các giải pháp trong đó cần đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là vấn đề đang hiện hữu của Đảng ta. Ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII, Trung ương Đảng đã có nhận định về vấn đề này. Đến Đại hội XIII, Đảng ta nhìn lại thì vẫn thấy rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”[1].
Quan cảnh Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng
Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã ra Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh những mặt tốt của Đảng, Kết luận cho rằng “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật... chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
Tình trạng đó là một khuyết điểm kéo dài, đáng báo động, đang làm trĩu lòng những đảng viên chân chính. Nếu cho rằng, “nguy cơ” là những điều có thể sẽ đến ở tương lai thì những khuyết điểm này không còn là nguy cơ nữa, mà chúng đã trở thành thực tế ở hiện tại, chúng đang hiển hiện trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Thực tế này cho Đảng thấy rõ một điều là: Nếu không đẩy lùi và khắc phục được thì những khuyết điểm đó sẽ góp phần tạo ra “nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ rõ.
Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống từ một số, thậm chí từ nhiều người dân thường và ngoài xã hội? Vâng, đó là điều lo lắng, cần có những giải pháp khắc phục. Sự suy thoái đó từ đảng viên không giữ chức vụ gì trong bộ máy của hệ thống chính trị? Điều này cũng đáng lo ngại. Nhưng, quả thật, nếu sự suy thoái đó lại “rơi vào” những người đứng đầu thì đó là điều nguy hiểm nhất. Điều này cho thấy rõ hơn một bước nữa trong nấc thang của tư duy: Việc người đứng đầu nêu gương sáng cho mọi người noi theo trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phải trở thành nhiệm vụ then chốt của then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Ba vấn đề “tư tưởng chính trị”; “đạo đức”; “lối sống” có quan hệ chặt chẽ với nhau, khó mà có thể tách rời. Chúng là “3 trong 1”, nghĩa là trong cái này có cái kia và ngược lại. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ ra rất rõ những biểu hiện để nhận biết những điều đó. Chúng ta thử hình dung xem điều gì sẽ xảy ra nếu người đứng đầu thiếu niềm tin vào cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, muốn đất nước đi theo con đường khác con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán? Câu trả lời chắc chắn là: Điều đó chỉ làm cho tốc độ lao dốc suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên càng tăng thêm mà thôi.
Đạo đức cách mạng cũng như lối sống lành mạnh đã quy định bản chất, tư cách, nhân cách của cán bộ, đảng viên, trong đó đặc biệt quan trọng là người đứng đầu. Người đứng đầu mà tham nhũng, lãng phí, quan liêu; là không trung với nước, với Đảng, không hiếu với dân; là không thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; là sống cơ hội, bè phái; vụ lợi, hám danh; vô cảm trước cuộc sống của nhân dân; là sống xa hoa, hưởng lạc, không gương mẫu cho mọi người noi theo, kể cả gương mẫu cho những người trong gia đình mình, thì lại càng cực kỳ nguy hiểm cho Đảng, cho chế độ. Thật là tai họa khi nếu người đứng đầu làm ăn bất chính, vi phạm điều lệ Đảng, bản thân vi phạm pháp luật và dung túng cho người trong gia đình vi phạm pháp luật; không lấy lợi ích của Tổ quốc làm đích cao nhất, mà là lấy lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm làm chuẩn. Điều này thể hiện rõ trong quan điểm và hành động bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đầu tư kinh tế, trong ký kết hợp tác và ký duyệt các đề án, phương án, hợp đồng kinh tế - xã hội. Nếu không coi đạo đức là gốc của người cách mạng, không tu dưỡng rèn luyện để có lối sống lành mạnh thì người đứng đầu tuy là mang danh cộng sản, nhưng sẽ tạo ra gương xấu gây tác hại cho người xung quanh.
Làm thế nào để đề phòng và khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên?
Nhiều, nhiều lắm. Có thể nói rằng, đó là tổ hợp của các giải pháp như là một hệ thống trên - dưới, ngang - dọc. Nhưng, có một giải pháp cực kỳ quan trọng là phải nêu gương trách nhiệm của người đứng đầu.
Bác Hồ cho rằng, ở phương Đông và ở Việt Nam “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[2]. Xưa nay, làm gương cho người khác soi vào bao giờ cũng thuận chiều xuôi từ trên xuống dưới chứ không bao giờ ngược từ dưới lên trên. Nghĩa là, người nhiều tuổi làm gương cho người ít tuổi; người có chức vụ cao làm gương cho người chức vụ thấp hoặc người không có chức vụ; đảng viên làm gương cho nhân dân. Mà ở đây là phải là gương sáng chứ không phải gương mờ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra cho toàn Đảng phương hướng, nhiệm vụ về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiếp tục coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Những nghị quyết của Đảng đã chú trọng hơn trong việc gắn trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong tổ hợp “những người có chức, có quyền”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII cũng là nằm trong luồng tư duy đó, nghĩa là nhấn mạnh rằng, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[3]. Sẽ là thất bại trong việc đề phòng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nếu có sự hư hỏng từ đội ngũ này, chứ không phải chỉ từ đảng viên thường. Vì thế phải nghiêm khắc, quyết liệt từ phía tổ chức và từ chính sự tự giác, răn mình, từ sự tự nhận thức của người đứng đầu.
Người xưa đã có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đó là hệ quả trong ứng xử của xã hội. Đó là cặp nguyên nhân-kết quả trong quan hệ của người với người ở một tổ chức chính trị - xã hội. Người dân và cả đảng viên thường nữa, hiểu Đảng, tin yêu Đảng, sẵn sàng xả thân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc, ấm no của nhân dân, cho lý tưởng cộng sản không phải chỉ từ sách vở, không chỉ từ lời nói mà đó chính là nhìn qua tấm gương của người lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Sức mạnh vô biên của người đứng đầu là sức mạnh của sự dẫn dắt, sức mạnh của hướng véctơ lực và sức mạnh từ những hành vi vô ngôn. Người đứng đầu hiện diện ở trong Đảng và ngoài xã hội như là người phải có sứ mệnh luôn luôn mang một tấm gương trong và sáng, không một chút bụi mờ. Người đó như là ngọn hải đăng dẫn tàu biển, như người phát hiệu lệnh xung trận, như chiến sĩ tiên phong dẫn đường cho cả tổ chức Đảng. Biện pháp nêu gương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, do đó, là một biện pháp có tính tiên quyết cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, tiến công vào mặt trận chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Năm 2024 là năm toàn Đảng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII cũng như Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Kết quả của năm 2024 sẽ tạo đà rất lớn cho công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV. Sự thành công của việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Không như thế thì chúng ta không thể hy vọng rằng, đến kỳ đại hội sau của Đảng, nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ” được đưa ra khỏi báo cáo chính trị của Đại hội.
Chúng ta có quyền và niềm tin vững chắc để hy vọng vào sự thắng lợi của cách mạng, vào tiền đồ tương lai của đất nước sẽ đạt được những kết quả nổi bật mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Điều đó phụ thuộc vào hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống./.
- (03/12/2024 08:51:00 AM) - Ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy Khối các cơ quan- Doanh nghiệp tỉnh: Tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025)
- (24/07/2024 10:14:00 PM) - NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN TẤT CẢ CÁC LĨNH VỰC VÀ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC)
- (24/07/2024 08:29:00 PM) - TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG VIỆC CHỐNG SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG HIỆN NAY)
- (06/07/2024 03:24:00 AM) - KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG)
- (18/01/2024 03:00:00 PM) - Chi bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Kiên Giang tích cực tham gia và đạt giải cao Cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng)
- kết quả công tác chỉ đạo đại hội chi bộ điểm nhiệm kỳ 2025-2028
- Lịch làm việc của Thường trực Đảng ủy Khối từ ngày 30/9 đến 15/10/2024
- Khai giảng lớp bồi dưỡng Nhận thức về Đảng khóa XXVII
- TUYÊN TRUYỀN, HƯỞNG ỨNG CUỘC THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2024
- Kế hoạch chỉ đạo đại hội đảng cấp cơ sở và Đảng bộ khối nhiệm kỳ 2025-2030
- Lịch làm việc của Thường trực Đảng ủy Khối từ ngày 02/8 đến 16/8/2024
- TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CUỘC THI VÀ TRIỂN LÃM ẢNH NGHỆ THUẬT CẤP QUỐC GIA "TỰ HÀO MỘT DẢI BIÊN CƯƠNG"
- Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi thuộc Đảng bộ khối các Cơ quan-Doanh nghiệp tỉnh lần thứ nhất năm 2024
- Kế hoạch tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi năm 2024, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025
- Tình hình thực hiện nhiệm vụ quý III và Chương trình chỉ đạo quý IV/2023
- Tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 29/10/2023)
- Kế hoạch Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 157- KH/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới
- Báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khối khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025
- Ban hành "hệ thống mẫu nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng"
- Kế hoạch hưởng ứng cuộc thi viết với chủ đề "Công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và biên giới trên đất liền tỉnh Kiên Giang năm 2023"
Số lượt truy cập:
Trực tuyến: